Một số điểm đặc trưng Khí_quyển_Sao_Mộc

Các luồng xoáy

Ảnh chụp hồng ngoại khí quyển Sao Mộc, vùng gần GRS ở Nam bán cầu, bởi New Horizons, cho thấy nhiều luồng xoáy khác nhau. Màu sắc trong ảnh là giả, được tạo ra bằng cách cho màu đỏ ứng với ảnh chụp ở bước sóng ánh sáng 1,28 micrômét, màu xanh lá cây ứng với 1,30 micrômét và màu xanh dương ứng với 1,36 micrômét, là các bước sóng hồng ngoại để thăm dò các độ cao khác nhau của khí quyển Sao Mộc.

Khí quyển Sao Mộc có hàng trăm luồng xoáy — các cấu trúc chuyển động xoay tròn, giống như ở khí quyển Trái Đất, được chia làm hai loại: xoáy thuậnxoáy nghịch.[9] Các xoáy thuận xoay theo hướng trùng với chiều quay của hành tinh (ngược chiều kim đồng hồ ở Bắc bán cầu và thuận chiều kim đồng hồ ở phía Nam bán cầu); còn các xoáy nghịch xoay theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, không giống như trong bầu khí quyển Trái Đất, có nhiều xoáy nghịch hơn xoáy thuận trên Sao Mộc - hơn 90% các luồng xoáy có đường kính trên 2000 km là xoáy nghịch.[72] Tuổi thọ của các luồng xoáy của Sao Mộc dao động từ vài ngày đến hàng trăm năm, tùy thuộc vào kích cỡ của chúng. Ví dụ, tuổi thọ trung bình của một xoáy nghịch có đường kính từ 1000 đến 6000 km là 1 đến 3 năm.[73] Các luồng xoáy chưa bao giờ được quan sát thấy ở vùng xích đạo của sao Mộc (trong vĩ độ từ 10° trở xuống), nơi chúng không ổn định.[12] Như trên bất kỳ hành tinh quay nhanh nào, các xoáy nghịch của Sao Mộc có áp suất cao, trong khi xoáy thuận là vùng áp thấp.[39]

Các xoáy nghịch trong khí quyển của sao Mộc luôn bị giới hạn trong các đới, nơi mà tốc độ gió tăng theo hướng từ xích đạo đến các cực.[73] Chúng thường có màu sáng và xuất hiện dưới hình dạng bầu dục trắng.[9] Chúng có thể di chuyển với vận tốc có thành phần theo phương song song với các kinh tuyến, nhưng vĩ độ của chúng không thay đổi nhiều vì chúng không thể thoát ra khỏi các đới.[12] Tốc độ gió ở đường biên của chúng khoảng 100 m/s.[11] Các xoáy nghịch nằm trong cùng một đới có xu hướng sáp nhập, khi chúng tiến gần đến nhau.[74] Tuy nhiên Sao Mộc có hai xoáy nghịch tương đối khác biệt so với các xoáy nghịch khác. Chúng là Vết Đỏ Lớn (GRS) đã tồn tại hàng trăm năm[10] và Bầu dục BA mới sinh ra trong năm 2000.[11] Ngược lại với các bầu dục trắng, các cấu trúc này có màu đỏ, có thể là do các chuyển động trong chúng làm sục lên các vật chất có màu đỏ từ độ sâu thấp hơn của hành tinh.[10] Trên sao Mộc, các xoáy nghịch thường hình thành thông qua sự hợp nhất các cấu trúc nhỏ hơn bao gồm các cơn dông bão đối lưu (xem bên dưới),[73] tuy vậy các bầu dục lớn có thể là hệ quả của sự không ổn định của các dòng tia. Cách hình thành thứ hai được quan sát thấy trong những năm 1938-1940, khi một số bầu dục trắng xuất hiện như là kết quả của sự bất ổn của Đới Ôn đới Nam; chúng sau đó đã sáp nhập để hình thành Bầu dục BA.[11][73]

Đối lập với xoáy nghịch, xoáy thuận của Sao Mộc có xu hướng nhỏ, tối và có các cấu trúc bất định. Một số điểm đặc trưng tối hơn và có hình dạng có quy luật hơn được gọi là bầu dục nâu.[72] Tuy nhiên, đã có những gợi ý về sự tồn tại của một vài xoáy thuận tồn tại lâu. Ngoài các xoáy thuận nhỏ, Sao Mộc có một số mảng vân lớn có hình dạng không đều, thể hiện chuyển động xoay thuận.[9] Một trong số đó nằm ở phía tây của GRS (trong vùng đuôi rẽ sóng của nó) ở Vành đai Xích đạo Nam.[75] Các mảng này được gọi là vùng xoáy thuận (CR). Các xoáy thuận luôn nằm trong các vành đai và có xu hướng kết hợp khi chúng gặp nhau, giống như xoáy nghịch.[73]

Cấu trúc theo chiều sâu của các luồng xoáy chưa được hiểu rõ. Các luồng xoáy được cho là tương đối mỏng, vì mọi độ dày lớn hơn khoảng 500 km sẽ dẫn đến sự bất ổn định. Các xoáy nghịch lớn được biết là có độ dày chỉ vài chục kilômét trên những đám mây có thể nhìn thấy được. Giả thuyết ban đầu, cho rằng các luồng xoáy là cột đối lưu sâu, cho đến năm 2008 vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi bởi các nhà khoa học hành tinh.[12]

Vết Đỏ Lớn

Bài chi tiết: Vết Đỏ Lớn
Kích thước của Vết Đỏ Lớn đang giảm dần (15 tháng 5 năm 2014).[76]

Vết Đỏ Lớn (GRS) là một bão xoáy nghịch tồn tại lâu dài, ở 22° Nam bên dưới xích đạo của Sao Mộc; các quan sát từ Trái Đất cho thấy cơn bão này đã tồn tại ít nhất là 350 năm.[77][78] Một cơn bão đã được Gian Domenico Cassini mô tả là "vết vĩnh cữu" sau khi quan sát thấy vết này vào tháng 7 năm 1665 cùng với nhà sản xuất thiết bị quan sát của ông là Eustachio Divini.[79] Theo một báo cáo của Giovanni Battista Riccioli vào năm 1635, Leander Bandtius, người mà Riccioli xác định là Linh mục của Dunisburgh, người sở hữu một "kính thiên văn tuyệt vời", đã quan sát thấy một vết lớn mà ông mô tả là "hình bầu dục, bề ngang dài nhất bằng một phần bảy của đường kính của sao Mộc". Theo Riccioli, "những đặc điểm này hiếm khi có thể nhìn thấy, chỉ thấy được bằng một kính viễn vọng có chất lượng và độ phóng đại vượt trội".[80] Tuy nhiên, từ những năm 1870, Vết Đỏ Lớn đã được quan sát thấy liên tục cho đến nay.

GRS quay theo chiều ngược kim đồng hồ, với chu kỳ quay khoảng sáu ngày Trái Đất,[81] hoặc 15 ngày Sao Mộc. Đường kính của nó là 24000 – 40000 km theo phương đông-tây và 12000 – 14000 km theo phương bắc-nam. GRS đủ lớn để chứa hai hoặc ba hành tinh có kích thước bằng Trái Đất. Vào đầu năm 2004, GRS có kích thước theo phương dài nhất bằng khoảng một nửa kích thước mà nó đã có một thế kỷ trước, khi đường kính của nó đã là khoảng 40000 km. Với tốc độ giảm kích thước hiện tại, nó có thể trở thành hình tròn vào năm 2040, mặc dù điều này khó có thể xảy ra vì ảnh hưởng có thể gây méo mó của các dòng tia ở gần nó.[82] Chưa có dự báo nào về việc GRS sẽ còn tồn tại bao lâu nữa, hoặc liệu sự thay đổi về kích thước có phải là một phần của dao động kích thước bình thường không.[83]

Hình ảnh hồng ngoại của GRS (trên bên phải) và Bầu dục BA (dưới bên trái) thể hiện phần trung tâm lạnh hơn của chúng, được chụp bởi kính thiên văn Very Large Telescope. Một hình ảnh được thực hiện bởi Kính viễn vọng Không gian Hubble được trưng bày ở phía dưới để so sánh.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học California, Berkeley, từ năm 1996 đến năm 2006, GRS mất 15% đường kính của nó dọc theo trục chính của nó. Xylar Asay-Davis, người thuộc nhóm tiến hành nghiên cứu, lưu ý rằng GRS sẽ không biến mất bởi vì "vận tốc là một phép đo có ý nghĩa hơn kích thước, do các đám mây liên quan đến GRS cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhiều hiện tượng khác trong bầu khí quyển xung quanh."[84]

Dữ liệu hồng ngoại từ lâu đã chỉ ra rằng GRS lạnh hơn (và do đó, nằm ở độ cao cao hơn) so với hầu hết các đám mây khác trên hành tinh này;[85] đỉnh của GRS cao hơn khoảng 8 km so với các đám mây xung quanh. Ngoài ra, các theo dõi một cách cẩn thận các điểm đặc trưng khí quyển đã cho thấy sự quay vòng ngược chiều kim đồng hồ của GRS từ năm 1966 – quan sát này được khẳng định mạnh mẽ bởi những bộ phim lần đầu tiên thu được qua những chuyến bay của Voyager.[86] GRS bị kẹp giữa một dòng tia chảy về hướng đông (thuận hành) ở rìa nam của nó, và một dòng tia khác chảy về phía tây (nghịch hành) rất mạnh ở rìa bắc của nó.[87] Mặc dù gió xung quanh rìa của GRS có tốc độ cao nhất khoảng 120 m/s (432  km/h), các dòng chảy bên trong nó có vẻ bị ứ đọng, với rất ít dòng chảy đi vào hoặc đi ra khỏi nó.[88] Chu kỳ xoay của GRS đã giảm dần theo thời gian, có thể là hệ quả trực tiếp từ việc giảm kích thước của nó.[89] Trong năm 2010, các nhà thiên văn học đã chụp ảnh GRS trong phổ hồng ngoại xa (bước sóng từ 8,5 đến 24 μm) với độ phân giải không gian cao hơn bao giờ hết, và thấy rằng vùng trung tâm của nó, vùng đỏ nhất, nóng hơn môi trường xung quanh khoảng 3-4 K. Khí ấm nằm ở phần trên của tầng đối lưu, ở khoảng áp suất 200-500 mbar. Vùng trung tâm ấm này quay ngược lại một cách chậm, có thể là do sự sụt lún của khí ở trung tâm GRS.[90]

Vĩ độ của Vết Đỏ Lớn đã ổn định trong toàn bộ khoảng thời gian có được các quan sát tốt về nó, chỉ dao động khoảng một độ. Tuy nhiên, kinh độ của nó chịu sự thay đổi liên tục.[91][92] Vì các điểm đặc trưng nhìn thấy được của Sao Mộc, ở các vĩ độ khác nhau, không cùng quay với một tốc độ chung, quanh trục quay của Sao Mộc, các nhà thiên văn học đã thiết lập ba hệ thống khác nhau để xác định kinh độ. Hệ thống II được sử dụng cho các vĩ độ trên 10°, và ban đầu dựa vào tốc độ quay trung bình của GRS, có chu kỳ quay là 9 giờ 55 phút 42 giây.[93][94] Tuy vậy, so với hệ quy chiếu của Hệ thống II, GRS đã quay được ít nhất 10 vòng quanh hành tinh, kể từ đầu thế kỷ 19. Tốc độ trôi dạt của GRS đã thay đổi đáng kể qua nhiều năm và có liên quan đến độ sáng của Vành đai Xích đạo Nam, và sự hiện diện hoặc không hiện diện của Nhiễu Nhiệt đới Nam (STrD).[95]

So sánh kích thước của Trái Đất với GRS, bằng hình ảnh Trái Đất chồng lên hình chụp GRS ngày 29 tháng 12 năm 2000.

Lý do gây ra màu đỏ của Vết Đỏ Lớn vẫn chưa được biết rõ. Các lý thuyết được hỗ trợ bởi các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho rằng màu sắc có thể là do các phân tử hữu cơ phức tạp, phốt pho đỏ, hoặc một hợp chất lưu huỳnh khác. GRS thay đổi rất nhiều trong màu sắc, từ màu gạch đỏ đến màu cá hồi nhạt, hoặc thậm chí trắng. Nhiệt độ cao hơn của vùng đỏ nhất ở trung tâm là bằng chứng đầu tiên cho thấy màu sắc của nó bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường.[90] GRS thỉnh thoảng biến mất khỏi quang phổ nhìn thấy, chỉ có thể được nhận diện thông qua Vết Rỗng Đỏ, là dấu ấn của nó ở Vành đai Xích đạo Nam (SEB). Mức độ biểu kiến của GRS dường như có liên quan đến độ sáng của SEB; khi vành đai có màu trắng sáng, GRS có xu hướng tối hơn, và khi SEB tối, GRS thường sáng lên. Các thời điểm mà GRS tối đi hoặc sáng lên xảy ra ở các khoảng thời gian không đều; trong 50 năm từ năm 1947 đến năm 1997, GRS đã tối nhất trong các thời kỳ 1961-1966, 1968-1975, 1989-1990, và 1992-1993.[96] Vào tháng 11 năm 2014, một kết quả phân tích các dữ liệu gửi từ tàu Cassini của NASA cho thấy màu đỏ có thể là hệ quả của sự phá vỡ liên kết hóa học ở các hóa chất đơn giản bởi ánh sáng Mặt Trời trong tầng cao khí quyển [97][98]

Dù có tên gọi tương tự, Vết Đỏ Lớn khác hoàn toàn với Vết Tối Lớn, một điểm đặc trưng khác được quan sát gần cực Bắc của sao Mộc vào năm 2000 bởi tàu vũ trụ Cassini-Huygens.[99] Một điểm đặc trưng khác trong bầu khí quyển của Sao Hải Vương cũng được gọi là Vết Tối Lớn; vết này được chụp ảnh bởi Voyager 2 vào năm 1989, có thể đã là một lỗ khí quyển chứ không phải là một cơn bão. Nó đã không còn tồn tại vào năm 1994, mặc dù một điểm tương tự đã xuất hiện xa hơn về phía bắc.[100]

Bầu dục BA

Bầu dục BA (bên trái).
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Bầu dục BA.

Bầu dục BA là một cơn bão màu đỏ ở bán cầu Nam của Sao Mộc, có hình dạng tương tự, nhưng nhỏ hơn, Vết Đỏ Lớn (nó còn được gọi là "Vết Đỏ Con"). Là một điểm đặc trưng ở Vành đai Ôn đới Nam, Bầu dục BA lần đầu tiên được nhìn thấy vào năm 2000, hình thành từ việc sáp nhật ba cơn bão nhỏ màu trắng, và cường độ bão của Bầu dục BA đã tăng lên kể từ khi đó.[101]

Sự hình thành của ba cơn bão hình bầu dục trắng mà sau đó được sáp nhập thành Bầu dục BA có thể được lần lại từ năm 1939, khi Đới Ôn đới Nam (STZ) bị xé nát bởi các cấu trúc tối chia cắt đới này thành ba phần dài. Nhà quan sát Sao Mộc Elmer J. Reese đã gán nhãn cho các phần tối là AB, CD và EF. Khi các phần tối mở rộng, chúng làm thu hẹp các phần còn lại của STZ vào các vùng hình bầu dục màu trắng được gán nhãn là FA, BC và DE.[102] Bầu dục BC và DE sáp nhập vào nhau năm 1998, hình thành Bầu dục BE. Sau đó, vào tháng 3 năm 2000, BE và FA cùng hợp lại, hình thành Bầu dục BA.[101] (xem thêm các bầu dục trắng bên dưới)

Sự hình thành của Bầu dục BA từ ba bầu dục trắng.Bầu dục BA (dưới cùng), Vết Đỏ Lớn (trên cùng) và "Vết Đỏ Sơ sinh" (giữa) khi chúng tiến lại gần nhau vào tháng 6 năm 2008.

Bầu dục BA bắt đầu dần dần chuyển sang màu đỏ từ tháng 8 năm 2005.[103] Ngày 24 tháng 2 năm 2006, nhà thiên văn học nghiệp dư Christopher Go, người Philippines, đã phát hiện ra sự thay đổi màu sắc, và thấy nó đã đạt đến cùng một màu như GRS.[103] Kết quả là cây bút của NASA, Tiến sĩ Tony Phillips gợi ý tên gọi cho nó là "Vết Đỏ Con".[104]

Vào tháng 4 năm 2006, một nhóm các nhà thiên văn học, tin rằng Bầu dục BA có thể sẽ sáp nhập với GRS trong năm đó, quan sát các cơn bão qua Kính viễn vọng Không gian Hubble.[105] Hai cơn bão này đi qua nhau hai năm một lần, nhưng các lần đi qua gần nhau vào năm 2002 và năm 2004 đã không tạo ra bất cứ hiện tượng gì đặc biệt. Tiến sĩ Amy Simon-Miller, thuộc Trung tâm Không gian Vũ trụ Goddard, dự báo hai cơn bão lại đi qua nhau vào ngày 4 tháng 7 năm 2006. Trong năm 2006, vào ngày 20 tháng 7, hai cơn bão đã được chụp ảnh bởi Đài quan sát Gemini đi ngang qua nhau nhưng không sáp nhập vào nhau.[106]

Lý do vì sao Bầu dục BA chuyển sang màu đỏ vẫn chưa được biết. Theo một nghiên cứu năm 2008 của Tiến sĩ Santiago Pérez-Hoyos thuộc Đại học Basque Country, cơ chế có khả năng nhất là "sự khuếch tán lên trên và hướng vào tâm bão của một hợp chất màu hoặc một lớp chất phủ có thể tương tác với các photon năng lượng cao của Mặt Trời ở tầng trên của Bầu dục BA".[107] Một số người tin rằng các cơn bão nhỏ (tương ứng với các vết trắng) trên Sao Mộc chuyển sang màu đỏ khi gió trở nên đủ mạnh để kéo một số chất khí nhất định từ sâu trong bầu khí quyển lên trên cao, các loại khí này sẽ thay đổi màu sắc khi được phơi ra ngoài ánh sáng Mặt Trời.[108]

Bầu dục BA là một cơn bão đang trở nên mạnh hơn, theo những quan sát được thực hiện bằng Kính viễn vọng Không gian Hubble năm 2007. Tốc độ gió đạt tới 618 km/h; tương đương như ở rìa Vết Đỏ Lớn và mạnh hơn bất kỳ một cơn bão nào đã từng được sáp nhập để sinh ra nó.[109][110] Tính đến tháng 7 năm 2008, kích thước của nó đã vào cỡ đường kính của Trái Đất - khoảng một nửa kích thước của Vết Đỏ Lớn.[107]

Bầu dục BA không nên bị nhầm lẫn với một cơn bão lớn khác trên Sao Mộc, là Vết Đỏ Nhỏ Nhiệt đới Nam (LRS) (còn có tên là "Vết Đỏ Sơ sinh" do NASA đặt cho[111]), đã bị phá hủy bởi GRS.[108] Cơn bão này vốn trước đây là một vết trắng trong hình ảnh của Kính viễn vọng Không gian Hubble, đã chuyển sang màu đỏ vào tháng 5 năm 2008. Các quan sát về LRS đã được thực hiện theo sự dẫn dắt của Imke de Pater ở Đại học California, Berkeley.[112] Vết Đỏ Sơ sinh tiến đến sát GRS vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 2008, và trong quá trình va chạm, vết đỏ nhỏ hơn bị cắt thành từng mảnh. Các tàn dư của Vết Đỏ Sơ sinh ban đầu quay quanh GRS, sau đó nhập vào GRS. Những mảnh tàn dư cuối cùng có màu đỏ đã biến mất vào giữa tháng 7, và các mảnh còn lại không có màu đỏ lại va chạm với GRS trong lần gặp gỡ tiếp theo và cuối cùng sáp nhập với GRS. Tất cả các mảnh của Vết Đỏ Sơ sinh đã hoàn toàn biến mất vào tháng 8 năm 2008.[111] Trong quãng thời gian này Bầu dục BA có xuất hiện ở gần đó, nhưng không có vai trò rõ ràng trong việc phá hủy Vết Đỏ Sơ sinh.[111]

Dông bão và sét

Sét đánh ở phía tối của bề mặt Sao Mộc, được chụp bởi tàu vũ trụ Galileo vào năm 1997.Dông bão ở nam Sao Mộc, chụp bởi JunoCam.[113]

Các cơn dông bão trên Sao Mộc tương tự như các cơn dông trên Trái Đất. Chúng được quan sát thấy ở dạng các đám mây dầy và sáng có kích thước khoảng 1000 km, thỉnh thoảng xuất hiện ở vùng xoáy thuận của các vành đai, đặc biệt là trong các dòng tia mạnh chảy về hướng tây (nghịch hành).[114] Trái ngược với các luồng xoáy, dông bão của Sao Mộc là hiện tượng có thời gian tồn tại ngắn ngủi; các cơn dông bão mạnh nhất có thể tồn tại trong vài tháng, trong khi tuổi thọ trung bình của các cơn dông chỉ 3-4 ngày.[114]Cơ chế sinh ra các cơn dông bão được cho là sự đối lưu hơi ẩm trong tầng đối lưu của Sao Mộc. Một cơn dông bão thực ra là một cột đối lưu cao, mang khí ẩm từ tầng sâu lên phần trên cao của tầng đối lưu, nơi hơi ẩm bị ngưng tụ thành các đám mây. Chiều cao điển hình của các cơn dông bão của Sao Mộc là khoảng 100 km; trải rộng từ mức áp suất khoảng 5-7 bar, là đáy của tầng mây nước trên lý thuyết, đến mức áp suất 0,2-0,5 bar.[115]

Dông bão trên Sao Mộc luôn đi kèm với sét. Hình ảnh của nửa tối của sao Mộc bởi các tàu vũ trụ GalileoCassini đã cho thấy những chớp nháy thường xuyên xuất hiện ở các vành đai của Sao Mộc và gần vị trí của các dòng tia chảy về hướng tây, đặc biệt ở các vĩ độ 51° bắc, 56° nam và 14° nam.[116] Các tia sét trên Sao Mộc có năng lượng trung bình gấp vài lần so với các tia sét trên Trái Đất. Tuy nhiên, chúng ít gặp hơn; công suất phát sáng do tia sét từ một khu vực nhất định trên bề mặt Sao Mộc ở mức tương tự như trên Trái Đất.[116] Có một số tia chớp đã được phát hiện ở các vùng cực, khiến cho Sao Mộc là hành tinh thứ hai được biết đến sau Trái Đất có sét ở vùng cực.[117]

Cứ 15 đến 17 năm, Sao Mộc lại xuất hiện các cơn dông bão mạnh đặc biệt. Chúng có mặt ở vĩ độ 23° bắc, nơi dòng tia hướng đông mạnh nhất có thể đạt tốc độ 150 m/s. Lần cuối cùng sự kiện này được quan sát là vào tháng 3 đến tháng 6 năm 2007.[115] Hai cơn bão đã xuất hiện ở Vành đai Ôn đới Bắc, có kinh độ cách nhau 55°. Chúng đã làm xáo trộn đáng kể vành đai này. Các vật chất tối phun ra bởi những cơn bão đã trộn với những đám mây và làm thay đổi màu sắc của vành đai. Hai cơn dông bão này đã di chuyển với tốc độ lên đến 170 m/s, nhanh hơn một chút so với bản thân dòng tia, cho thấy sự tồn tại của gió mạnh ở sâu bên dưới bầu khí quyển.[115]

Các đốm nóng

Ảnh chụp các đốm nóng ở xích đạo: bên trên là ảnh chụp với màu sắc thật, bên dưới là ảnh hồng ngoại với màu sắc giả.

Một trong những đặc điểm bí ẩn nhất trong bầu khí quyển của Sao Mộc là các đốm nóng. Bên trong chúng khí quyển gần như không có mây và hơi nóng có thể thoát ra từ các độ sâu bên dưới mà không bị hấp thụ nhiều. Các đốm nóng trông giống như các đốm sáng trong các ảnh chụp hồng ngoại thu được ở bước sóng khoảng 5 μm.[39] Chúng thường nằm trong các vành đai, tuy vậy cũng có một dải các đốm nóng nổi bật ở rìa phía bắc của Vùng Xích đạo. Tàu thăm dò Galileo đã hạ xuống một trong những đốm nóng ở xích đạo. Mỗi đốm nóng xích đạo có liên hệ với một cột mây đối lưu nằm về phía tây của nó và đạt đến kích thước 10 nghìn km.[7] Các đốm nóng thường có hình tròn, mặc dù chúng không giống các luồng xoáy.[39]

Hình ảnh cho thấy một cấu trúc sóng hiếm gặp, ở quy mô hành tinh.[118]

Nguồn gốc của các đốm nóng vẫn chưa được làm rõ. Các đốm nóng có thể là các dòng giáng, nơi có dòng khí hạ dần độ cao và bị hâm nóng đoạn nhiệt và bị khô đi, hoặc là, chúng có thể là biểu hiện của các sóng có quy mô hành tinh. Giả thuyết sử dụng sóng ở quy mô hành tinh giải thích các hình dạng lặp lại có chu kỳ của các đốm nóng xích đạo.[7][39]

Các nhiễu loạn

Hình dạng bình thường của các đới và vành đai đôi khi bị làm nhiễu trong một số khoảng thời gian. Một lớp đặc biệt của nhiễu loạn là những bóng tối tồn tại lâu dài ở Đới Nhiệt đới Nam, thường được gọi là "Nhiễu Nhiệt đới Nam" (STrD). STrD sống lâu nhất trong lịch sử đã được quan sát thấy từ năm 1901 cho đến năm 1939, lần đầu tiên được Percy B. Molesworth nhìn thấy vào ngày 28 tháng 2 năm 1901. Nó có hình dạng là vùng sẫm màu nằm trong Đới Nhiệt đới Nam có màu sáng hơn. Một số nhiễu loạn tương tự ở Đới Nhiệt đới Nam cũng đã được ghi nhận kể từ đó.[119]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khí_quyển_Sao_Mộc http://www.britannica.com/EBchecked/topic/308403 http://www.nytimes.com/2008/07/22/science/space/22... http://www.saburchill.com/HOS/astronomy/034.html http://www.sciencedaily.com/releases/2008/09/08092... http://www.space.com/scienceastronomy/090309-mm-ju... http://www.space.com/scienceastronomy/solarsystem/... http://ru.thetimenow.com/astronomy/jupiter.php http://www.lpl.arizona.edu/~showman/publications/i... http://www.lpl.arizona.edu/~yelle/eprints/Yelle04c... http://w.astro.berkeley.edu/~mikewong/papers/wong+...